Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét tiếp một vài sai lầm phổ biến của game thủ khi mua PC Gaming. Các bạn có thể xem lại phần 1 tại đây.
5. Chọn những thứ mình không cần đến
Giả dụ đơn giản là bạn mua PC chỉ để chơi game là chính, vậy để có được cấu hình ngon nhất phù hợp giá tiền, bạn phải chắc chắn là mình không chi trả cho những thứ không cần thiết trong khi khoản đó có thể dành cho những thứ tốt hơn. Chẳng hạn, đầu CD/DVD là dư thừa khi bạn chủ yếu tải game online hay Steam, Wifi cũng có thể không hữu dụng khi bạn cần kết nối cáp để đảm bảo tốc độ và sự ổn định của đường truyền. Thậm chí LED trang trí case cũng tiêu tốn một khoản chứ không hề free tí nào, và ngõ âm thanh 7.1 cũng có thể chẳng cần thiết nếu bạn chủ yếu dùng tai nghe (Thậm chí trong tương lai, các loại tai nghe USB cao cấp có thể đảm nhiệm vai trò này nếu bạn có nhu cầu).
6. Chọn đồ họa tích hợp thay vì đồ họa rời
Sử dụng chip APU (Accelerated Processing Unit) có tích hợp xử lý đồ họa nghe có vẻ tiện lợi và giúp dựng máy dễ dàng hơn, nhưng sức mạnh xử lý của những con chip này thường không thể bằng các loại card đồ họa rời chuyên dụng. Chọn loại nào là tùy bạn, nhưng đừng mua chip APU lẫn card đồ họa – hoặc là mua CPU thường + card đồ họa, hoặc là chỉ mua APU thôi. Mua APU là bạn đã trả tiền cho chip đồ họa tích hợp rồi nhưng nếu dùng kèm với card đồ họa rời thì con chip đó sẽ trở nên dư thừa lãng phí (Trừ phi bạn muốn linh hoạt dùng đồ họa tích hợp cho những game nhẹ và chỉ dành card đồ họa rời cho những game nặng).
7. Dung lượng RAM cần thiết
Bất cứ game nào cũng đòi hỏi một lượng RAM nhất định trên máy tính của bạn, nhưng có thể bạn sẽ không cần quá nhiều. Đảm bảo bạn lắp đủ RAM cho tất cả các loại game bạn muốn chơi, nhưng đừng cố gắn full RAM mà máy tính của bạn cho phép, vì nó không làm game chạy tốt hơn đâu – khi một game đòi hỏi 16 GB RAM thì dù bạn có cắm 32 GB RAM nó cũng chỉ chạy ổn định ở một mức nào đó mà thôi. Thay vào đó, hãy xem xét đầu tư card màn hình xịn với nhiều VRAM hơn để chơi được game ở độ phân giải và thiết lập đồ họa cao hơn. RAM nhiều chỉ cần thiết nếu bạn có nhu cầu chạy nhiều thứ cùng lúc, ví dụ vừa dựng video vừa lướt web hay chơi game nhẹ chẳng hạn.
8. Bản quyền Windows
Nếu bạn quyết định dựng bộ máy chơi game cho riêng mình thì hãy sẵn sàng rút ví chi trả tiền bản quyền Windows, chứ không có việc lắp ráp các linh kiện mình mua vào là tự nhiên có hệ điều hành trong máy đâu. Điều này là rất quan trọng khi dự kiến chi phí lắp máy vì license Windows không hề rẻ (tốn thêm khoảng hơn $70 nữa). Nếu mua PC Gaming dựng sẵn, bạn nên chắc chắn nó có kèm Windows khi xuất xưởng, vì một vài công ty bán máy dựng hoàn toàn không đi kèm hệ điều hành hoặc chỉ có bản dùng thử của Windows. Hãy cẩn thận.
9. Dùng Linux chơi game như mọi người
Có thể bạn sẽ nghĩ tới việc bỏ qua Windows và xài Linux vì nó hoàn toàn miễn phí. Đúng là bạn có thể tìm thấy nhiều game chạy được trên Linux nhưng phần lớn các tựa game AAA không hề hỗ trợ Linux. Bạn mua máy tính chơi game là để chơi game chứ không phải để lướt xem các tựa game máy bạn không thể chơi được. Hãy check danh sách game Linux trên Steam, và nếu bạn không thấy toàn bộ game mình muốn chơi có mặt trong danh sách thì đừng cài Linux.
Trên đây là 5 lỗi phổ biến khác khi mua PC Gaming, các bạn hãy cùng đón đọc phần 3 của loạt bài viết này để có thêm những kinh nghiệm quý báu cho mình nhé!
theo game4v